Thành phố 4 tỷ USD trục Nội Bài-Nhật Tân: Không phải "đất" cho các đại gia bán nhà

 

 

.

Chiều nay (17/6), chia sẻ với báo chí về siêu dự án thành phố thông minh 4 tỷ USD, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho hay: “Tổng thể chung là làm sao quy hoạch 2 bên tổng hòa, không cấp phép làm nhà xé quy hoạch mà phải theo quy hoạch, làm đúng tiêu chí chọn nhà đầu tư. Có rào cản ở đây là Việt Nam hiện đang quyết tâm xây dựng thành thành phố hiện đại như Singapore”
 >> Siêu “thành phố thông minh” tại Hà Nội: Vốn đầu tư chỉ hơn 4 tỷ USD, không tới 37 tỷ USD?
 >> Sắp có siêu dự án "thành phố thông minh" vài chục tỷ USD tại Bắc Hà Nội?

Thành phố thông minh 4 tỷ USD trục Nội Bài - Nhật Tân được kỳ vọng sẽ là đô thị thông minh đầu tiên về hạ tầng.
Thành phố thông minh 4 tỷ USD trục Nội Bài - Nhật Tân được kỳ vọng sẽ là đô thị thông minh đầu tiên về hạ tầng.

“Đẹp như Singapore”

Liên quan tới đề xuất hợp tác với nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện dự án “thành phố thông minh” 4 tỷ USD trục Nhật Tân – Nội Bài, trao đổi với báo chí chiều 17/6, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, lý do BRG lựa chọn dự án là vì niềm đam mê với quy hoạch, xin làm quy hoạch để cống hiến.

“Tôi luôn đau đáu làm quy hạch cho dự án này, từ sân bay, cầu mới cho đến đường mới… Nếu trục 2 bên chỉ là những dự án to, nhỏ, tự phát, không quy hoạch, phân khu chung chung thì không bao giờ có 1 thành phố như Singapore. Nếu trục này bị băm nát thì Hà Nội sẽ không bao giờ có thành phố đẹp cả”, bà Nga nói.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho biết, một trong những người có nhiệm vụ hội đồng chấm thi 3 phương án quy hoạch, cũng cho biết trong quy hoạch Hà Nội đã xác định rõ trục Nhật Tân – Nội Bài là trục cửa ngõ thủ đô. Nội Bài hiện mới có nhà ga T1, T2, sẽ có thêm 2 nhà ga T3, T4 để nâng cấp lên công suất 50 triệu hành khách/năm, thuộc loại sân bay lớn của thế giới.

“Vì là cửa ngõ quốc tế nên trục hướng về trung tâm phải là Nội Bài - Nhật Tân với tên đường là đường Võ Nguyên Giáp. Bà Nga đã lựa chọn, bỏ 3-4 triệu USD để làm quy hoạch này. Vì tầm cỡ quan trọng của nó nên phải tổ chức thi tuyển kiến trúc, thi tuyển quy hoạch. Hiện đã chọn 3 nhà tư vấn, là các nhà tư vấn có tên tuổi thế giới”, ông Chính cho biết.

Theo ông Chính, mang ý nghĩa quốc tế là cửa ngõ nên trục này gần như được quy hoạch mới hoàn toàn, là trục chính. Quy hoạch chi tiết có những điểm nhấn như: Trung tâm thương mại - dịch vụ, có những trục đi bộ, có công trình toà nhà chọc trời 108 tầng, tòa tháp tài chính lớn nhất cao hơn cả công trình 101 của Đài Loan –và đó sẽ trở thành biểu tượng thịnh vượng của thành phố Hà Nội.

Theo chia sẻ của chủ đầu tư, dự kiến dự án sẽ khởi công vào tháng 9 năm nay. Sau khi khởi công, dự án được kỳ vọng sẽ tạo sức lan tỏa rất mạnh. “Sẽ có các 'Mạnh Thường Quân' cho dự án nhưng là 'Mạnh Thường Quân' quốc tế. Dự kiến đến năm 2028 sẽ xong và có thể thu hút được vốn nước ngoài từ các nhà đầu tư quốc tế”, bà Nga nói.

“Không phải để cho đại gia vào bán nhà”

Bà Nga cũng chia sẻ thêm rằng, hiện tại UBND thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho BRG và Sumitomo để xây dựng thành phố thông minh nhưng với các khu vực nhà ở, hiện BRG chưa hề xin đầu tư 1 ha nào.

“Trục không gian cũng phải có điểm kết. Đường có chiều ngang 100 m, dọc tuyến 11-12 km nhưng 2 bên chỉ có cây xanh và đường đi bộ, kênh. Chúng tôi phấn đấu xây dựng đẹp hơn Singapore. Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội không cấp phép dự án nào không đáp ứng tiêu chí dọc tuyến đường này”, bà Nga cho biết và nhấn mạnh tiêu chuẩn chọn nhà đầu tư về là phải làm theo quy hoạch được duyệt bên cạnh có năng lực tài chính, trình độ và công nghệ.

“Tổng thể chung dự án là làm sao 2 bên xây dựng một quy hoạch thống nhất, không cấp phép làm nhà xé nát quy hoạch mà phải làm đúng tiêu chí chọn nhà đầu tư. Có rào cản ở đây là Việt Nam hiện đang quyết tâm xây dựng thành thành phố hiện đại như Singapore”, bà nói.

Nhiều lần nhắc tới việc thực hiện quy hoạch dự án để cống hiến, bà Nga cũng khẳng định BRG sẽ không làm các dự án nhiều nhà ở tại trục tuyến này. Bà cũng chia sẻ, dự án sẽ gồm nhiều hạng mục từ công viên ven sông, có làng ASEAN, khu Đại học và giữ được các làng xóm hiện hữu, cư dân tại đây vẫn kết nối được với thành phố hiện tại.

“Chính phủ hoàn toàn đồng ý giao hoàn toàn hơn 2.000 ha cho BRG và Sumitomo nhưng chúng tôi nhận chỉ làm 1 phần thôi. Dự án này không phải là cho các đại gia vào bán nhà mà thực sự là cống hiến”, bà nói thêm.

Chia sẻ thêm về dự án, bà Nga cho biết, dự án chia làm 5 giai đoạn, trong đó Sumitomo và BRG thực hiện giai đoạn 1 xây dựng phần “lõi” của dự án trên diện tích khoảng 271 ha.

Các hạng mục chính được đầu tư sẽ bao gồm toà nhà trung tâm tài chính, các tiện ích từ trường học, đường tàu cao tốc, quảng trường, đường giao thông và nhà ở hỗn hợp… Tại đây sẽ được xây dựng một hồ quy mô như Hồ Hoàn Kiếm nhưng khác ở chỗ không có tháp rùa. Hạng mục này được trao cho phía Nhật làm và đây là điểm nhấn nổi bật của trung tâm.

“Thành phố được quản lý bằng quy trình của Nhật Bản. Nhà đầu tư sẽ đưa công nghệ cao vào, hiện đại hoá các quy trình, mọi thứ được tự động hoá, dùng năng lượng mặt trời, có nhà máy nước riêng. Đây sẽ là đô thị thông minh đầu tiên về hạ tầng”, bà cho biết.

Bài viết liên quan